Page 185 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 185
Phần thứ nhất: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
cha mẹ dạy bảo nghiêm cẩn, với tính thông minh, ham đọc sách, hào hứng
tìm hiểu qua các tấm gương bất khuất, kiên cường của các thế hệ đi trước,
qua tư tưởng quân sự, lịch sử các trận đánh của những vị tướng lĩnh nổi
tiếng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Cùng
với tiếp thu tri thức quân sự dân tộc, Võ Nguyên Giáp say mê với những
cuốn sách viết về các nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc trong lịch sử thế giới như:
Thành Cát Tư Hãn, Napoleon, Kutuzov, Zhukov,... và kinh nghiệm cầm
quân trong các cuộc chiến tranh lớn,... Vốn kiến thức đó là nền tảng để Võ
Nguyên Giáp tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
về sức mạnh của quần chúng nhân dân, vận dụng vào sự nghiệp chiến tranh
cách mạng, phát triển chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới. Nền tảng
lý luận đó tiếp tục được bổ sung những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn đã
tạo nên tư duy chiến tranh nhân dân của Đại tướng.
Để tiến hành chiến tranh nhân dân, vấn đề tiên quyết là phải có sự tham
gia rộng rãi của dân chúng, tạo nên thế trận toàn dân đánh giặc. Quán triệt
sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng của Hồ Chí Minh, cùng với
khả năng tổ chức, tài thao lược của mình, Võ Nguyên Giáp đã thành công
trong giải quyết vấn đề trên. Alain Ruscio - sử gia người Pháp bình luận:
“Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình! Ông có nhân dân Việt Nam
cùng kề vai, sát cánh... cụm từ chiến tranh nhân dân không ngừng trở thành
khẩu hiệu động viên toàn thể dân tộc, được đem ra thực hiện hàng ngày” .
1
Để có được thành công đó, Võ Nguyên Giáp đã chú trọng xây dựng lực lượng
vũ trang cách mạng làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Khi được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam
Tuyên truyền giải phóng quân, dựa trên Chỉ thị của Người, Võ Nguyên Giáp
đã định ra mô hình tổ chức: “Xung quanh Đội Việt Nam Tuyên truyền giải
phóng quân có các đơn vị vũ trang ở các huyện, các đội dân quân tự vệ các xã
làm chỗ dựa cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thực thi
nhiệm vụ của mình. Ba thứ quân đó gắn bó với nhau trong mọi hoạt động,
khi tác chiến thì phối hợp chặt chẽ với nhau” . Mô hình đó đã trở thành chủ
2
_______________
1. Georgé Boudarel: Võ Nguyên Giáp, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2012, tr. 12.
2. Nguyễn Văn Sự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước
ngoài, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 379.
183