Page 881 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 881
879
TÌNH NGHĨA ANH EM VIỆT - ẤN - MIẾN
Các nhà báo hỏi ấn tượng của Bác đối với cuộc đi thăm này.
Bác nói: “Ngày xưa nhân dân lao động Ấn Độ đã xây dựng
những cung điện lâu đài cực kỳ đồ sộ. Ngày nay nhân dân Ấn
Độ dùng tài năng và lực lượng của mình làm những nhà máy
to, đắp những đập nước lớn, để làm cho nước nhà giàu mạnh,
con cháu mình sung sướng. Điều đó chứng tỏ rằng nhân dân
Ấn Độ có một quá khứ vẻ vang và một tương lai càng rực rỡ”.
3 giờ chiều Bác với Đoàn từ giã Agơra đi Bombay.
3 giờ chiều (9-2-1958) máy bay cất cánh từ Agơra. Gần bảy
giờ đến Bombay. Ông Thủ hiến, các nhân viên cao cấp và nhiều
đoàn thể nhân dân ra đón Bác và Đoàn ở sân bay. Cũng đeo
vòng hoa, duyệt đội danh dự, cũng đọc lời chào mừng, cũng
long trọng như những nơi khác. Bác cùng Đoàn đi về dinh Thủ
hiến. Hai bên đường có hàng chục vạn nhân dân đón chào.
Bảy giờ rưỡi tối ông Thủ hiến chiêu đãi. Tiệc xong, có văn
công múa hát rất vui.
Trước hết, anh hãy tóm tắt giới thiệu Bombay cho em biết.
Bombay là một cửa biển lớn, chiều dài 18 cây số, chiều rộng
nhất là 6 cây số. Có ba triệu nhân dân. Bombay lại là một thành
phố công nghiệp, có hơn 1.000 nhà máy nhỏ và to.
Tục truyền rằng ngày xưa Bombay là một nơi có bảy hòn
đảo nhỏ xúm xít gần nhau. Nhân dân chỉ làm nghề đánh cá. Bà
tiên Côly đặt tên cho nơi này là Mumbay. Về sau đất bồi đã làm
cho những hòn đảo ấy liền với nhau, mà Mumbay cũng biến
thành Bombay. Vì là một cửa biển phía tây của Ấn Độ, tàu bè
các nước phương Tây đi lại buôn bán nhiều, cho nên Bombay
đã trở nên một thành phố phồn thịnh. Nhưng cũng vì vậy mà
Bombay và cả nước Ấn Độ đã thành miếng mồi ngon cho bọn
thực dân gần 450 năm.