Page 224 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 224
dọc phố Khâm Thiên, quan sát một số vị trí địch ở đầu phố, nhất
là khu nhà dầu Shell, nói chuyện với anh chị em tự vệ. Tổng Chỉ
huy thấy yên tâm. Ông nhắc nhở ông Vũ cho anh em củng cố
thêm chiến lũy thành nhiều lớp và đào thêm hầm hào để rộng
đường cơ động trong chiến đấu. Phải làm sao những kinh nghiệm
chiến đấu tốt ở Tràng Thi, ở ngã ba Hồng Phúc sớm được phổ biến
và vận dụng rộng rãi trên các khu phố khác, lấy thêm tin tức về
trận chiến đấu ở Bắc Bộ phủ và cần thông báo kịp thời gương
chiến đấu của Lê Gia Định để động viên bộ đội và nhân dân.
Từ tình hình diễn biến chiến đấu đêm 19 và thực tế mặt trận
Khâm Thiên, điều khiến Tổng Chỉ huy suy nghĩ trên đường về là
sự chênh lệch về so sánh lực lượng, không những về trang bị kỹ
thuật mà cả về quân số. Cả Mặt trận Hà Nội và Bộ Tổng chỉ huy
đều không có một lực lượng dự bị nào trong tay. Hơn nữa phải
làm sao cho Đặc khu Hà Nội có một hậu phương vững chắc hơn
để chi viện kịp thời cho phía trước. Suy nghĩ đó chợt xuất hiện và
không rời tâm trí ông Giáp. Ông nghĩ ngay đến một phương án:
Đề nghị với Thường vụ cho sáp nhập Mặt trận Hà Nội với Liên
khu 2. Hà Đông và Sơn Tây sẽ trở thành hậu phương trực tiếp bổ
sung cho Mặt trận Hà Nội và 8 tỉnh thuộc Chiến khu 2 sẽ là
nguồn tăng viện sức người sức của cho mặt trận phía trước, bao
gồm không chỉ Mặt trận Hà Nội mà về lâu dài, cả Hà Đông và
Sơn Tây. Trước mắt, Tổng Chỉ huy quyết định điều ngay 2 tiểu
đoàn của Khu 2 để tăng cường cho Hà Nội có lực lượng dự bị,
đồng thời xây dựng gấp một trung đoàn dự bị của Bộ Tổng chỉ
huy. Mỗi bộ chỉ huy khu cũng cần có trong tay một tiểu đoàn. Vậy
là, với sự nhạy bén trước cục diện chiến trường, chỉ sau một ngày
đêm chiến đấu, Tổng Chỉ huy đã phát hiện và tìm ra đáp số của
bài toán do thực tế chiến trường đặt ra ở tầm vĩ mô: Hậu phương
của mặt trận và lực lượng dự bị của cả Tổng hành dinh và cho
từng khu, trước hết là cho Mặt trận Hà Nội.
222