Page 505 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 505
6 năm kháng chiến nhưng chưa bao giờ bộ đội được học tập những
vấn đề cơ bản về cách mạng Việt Nam, về đường lối kháng chiến
và đường lối xây dựng Quân đội nhân dân như lần này. Biết bao
điều mới lạ nhưng vô cùng gần gũi với đời sống người chiến binh
trong kháng chiến. Như sau này Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp
nhận xét, cuộc chỉnh huấn chính trị mùa hè năm 1951 đánh dấu
một mốc chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của bộ đội. Về quân
sự, nếu trong vài năm trước, đợt chỉnh huấn mùa hè chỉ là sinh
hoạt quân sự bình thường giữa hai mùa chiến dịch như các cuộc
vận động luyện quân lập công và rèn cán chỉnh quân phát động từ
sau Chiến dịch Việt Bắc, thì mùa huấn luyện này có nhiều điều
mới. Thời gian huấn luyện kéo dài 4 - 5 tháng. Đối tượng huấn
luyện gồm nhiều cán bộ mới được đề bạt, nhiều tân binh mới được
bổ sung, nội dung bao gồm những kinh nghiệm sốt dẻo không chỉ
về kỹ thuật mà nhất là những kinh nghiệm hết sức mới mẻ về
chiến thuật đánh công sự vững chắc, đánh vận động cả trên chiến
trường rừng núi và đồng bằng, trên đồng chiêm trũng, cả trên bộ
và trên sông, rút ra từ bốn chiến dịch lớn vừa qua.
Để tiếp tục giữ thế chủ động chiến lược trên chiến trường
chính Bắc Bộ và buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, ngày
4/9, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Lý Thường Kiệt trên
hướng Tây Bắc. Đại đoàn 312 được Bộ Tổng tư lệnh giao cho tổ
chức Chiến dịch này, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang một
số tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc. Đây là một chiến dịch “gối đầu” sau
khi Chiến dịch Hà - Nam - Ninh kết thúc chừng hơn hai tháng.
Hồi tháng 6, Đại đoàn 312 không tham gia Chiến dịch Quang
Trung mà ở lại bảo vệ căn cứ địa nên đã có được một khoảng thời
gian củng cố và huấn luyện trước khi được giao nhiệm vụ tiến
quân lên Tây Bắc, đảm nhiệm tiến công hướng chính (Nghĩa Lộ),
Trung đoàn 148 của Sơn La đảm nhiệm hướng phối hợp (Bình Lư,
Phong Thổ).
503