Page 242 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 242
Hội đồng Chính phủ lại họp và địa điểm các cuộc họp (các ngày
21/1, 2/2, 16/2 và 2/3/1947) thường diễn ra trên địa bàn các
huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, không quá xa nơi
đang có chiến sự hoặc vẫn trong tầm xuất kích rất gần của máy
bay địch. Phần lớn các cơ quan Chính phủ chỉ ra khỏi địa bàn
Hà Đông và Sơn Tây khoảng thượng tuần tháng 3 và phiên họp
đầu tiên của Hội đồng Chính phủ tương đối xa Hà Nội (họp ở
Chu Hoá, Lâm Thao, Phú Thọ) là vào trung tuần tháng 3. Lúc
này rất nhiều của cải vật chất của các bộ, các ngành trên đường
di chuyển lên căn cứ địa vẫn còn rải ra dọc đường, dọc sông
thuộc các vùng trung du phía bắc Hà Nội. Bảo vệ việc di chuyển
các cơ quan Chính phủ và các loại tài sản của kháng chiến trong
bối cảnh mặt trận đang lan rộng là một yêu cầu quan trọng đối
với quốc phòng, giữa lúc quân ta đang đứng trước một vấn đề
nóng bỏng, đó là cách đánh.
Từ sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, nhất là từ cuối
tháng 2, một tình hình mới xuất hiện trên cục diện chiến trường,
đó là hiện tượng vỡ mặt trận. Thực tế đó ảnh hưởng không nhỏ đến
quá trình di chuyển của các cơ quan Chính phủ và cơ sở vật chất
từ miền xuôi lên Việt Bắc. Và cũng không tránh khỏi những điều
than phiền của các cơ quan nhà nước trước bối cảnh mặt trận lan
rộng, trong đó có Bộ Tài chính (được giao nhiệm vụ điều hành việc
chuyển tiền bạc, nhà máy in bạc, gạo và muối lên căn cứ địa).
Trong Nhật ký của một bộ trưởng, ngày 31/3/1947, ông Lê Văn
Hiến viết: “Tình thế càng ngày càng gay, vì muốn bảo toàn chủ lực
nên quốc phòng chủ trương rút và tránh những mũi nhọn của cuộc
tiến công bằng cơ giới của Pháp. Vì thế mà làm cho các cơ quan
hành chánh, nhất là Tài chánh, phải bao nhiêu lần điêu đứng,
chạy chỗ này chỗ kia... Trong cuộc hội họp hôm nay, ta thấy một
vài điều phẫn uất thổ lộ ra trong câu chuyện vì sự không chống đỡ
(bảo vệ) của bộ đội đối với các cơ quan khác”.
240