Page 246 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 246
Đến trung tuần tháng 3, nếu việc phá đường, đắp chướng
ngại vật trên đường, trên đê và ngăn sông đã có tác dụng nào đó
làm chậm tốc độ cơ động của xe tăng, cơ giới và tàu địch thì việc
làm đó trên một số trục đường bộ, đường thủy lại cản trở sự đi lại
của các cơ quan Chính phủ đang khẩn trương chuyển tài sản kháng
chiến lên căn cứ địa. Như cách nói của Bộ trưởng Lê Văn Hiến,
ngày 18/3, tin bộ đội phá đường và ngăn sông đến với ông như
một tin sét đánh, vì nhiều máy móc vật liệu của Bộ Tài chính còn
nằm “lình nghình” dọc đường, dọc sông. Ông phải yêu cầu và được
quốc phòng chấp nhận, hoãn lệnh phá hoại giao thông trên một
số trục đường từ trung du lên Việt Bắc.
Hiện tượng vỡ mặt trận và tác dụng còn hạn chế của công tác
phá hoại, đắp ụ chướng ngại trên bộ và làm kè ngăn sông, nhất là
sự chuyển biến chậm về chiến thuật trên các mặt trận, là những
vấn đề thu hút tâm trí của Tổng Chỉ huy hằng ngày. Ông suy
nghĩ nhiều về cách đánh của địch và của ta. Ông trao đổi với
Tổng Tham mưu trưởng về việc triệu tập hội nghị các khu trưởng
bàn chuyên đề về cách đánh, đồng thời giao nhiệm vụ cho Phòng
Tác chiến dành thời gian nghiên cứu biện pháp phát huy hơn nữa
hiệu quả của công tác phá hoại và làm chướng ngại vật ngăn
chặn xe tăng, cơ giới địch. Ông rất vui khi được báo cáo rằng,
ngay lần đầu thử nghiệm trong chiến đấu đầu tháng 3, hai khẩu
badôka vừa sản xuất thành công đã diệt hai xe tăng địch trên
đường Chúc Sơn - chùa Trầm. Tin đó đã làm nức lòng bộ đội, cán
bộ kỹ thuật và công nhân quân giới. Nhưng đồng thời Tổng Chỉ
huy cũng hiểu rằng trình độ kỹ thuật và khả năng nguyên liệu để
sản xuất hàng loạt, đáp ứng yêu cầu của các mặt trận còn đòi hỏi
nhiều thời gian.
Trên đường di chuyển của cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ
huy lên căn cứ địa, ông Giáp dừng chân ở Tiên Kiên (Lâm Thao -
Phú Thọ) để mở Hội nghị các khu trưởng. Đây là Hội nghị quân sự
244