Page 662 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 662
Về đến căn cứ Việt Bắc, trong báo cáo đề ngày 28/5 gửi Bộ
Chính trị về Chiến dịch Sầm Nưa, sau khi nêu lên số nhân, vật lực
huy động cho chiến dịch, kết quả về tiêu diệt địch và giải phóng
đất đai, Tổng Tư lệnh khái quát cục diện chiến trường rừng núi
Bắc Đông Dương đã thay đổi hẳn có lợi cho ta. Một vùng giải
phóng kéo dài từ biên giới Đông Bắc đến gần Luông Phabang, từ
Điện Biên đến đường số 7, bao gồm những vùng trù phú như lưu
vực sông Mã và lưu vực sông Nậm Hu, với ba đường giao thông
chiến lược: đường số 6 qua Sầm Nưa - Bản Ban, đường số 7 và
đường Điện Biên - Luông Phabang. Chiến thắng Sầm Nưa đã buộc
địch phải phân tán thêm lực lượng lên Thượng Lào 12 tiểu đoàn cơ
động (6 lấy ở Nà Sản, 6 điều từ đồng bằng sông Hồng), tăng cường
cho Luông Phabang, Paksan, thành lập tập đoàn cứ điểm Cánh
Đồng Chum, tạo thành một thế quân sự mới trên chiến trường
Thượng Lào. Nhân thế địch ở đồng bằng thêm sơ hở nên trong và
sau Chiến dịch Sầm Nưa, quân và dân vùng sau lưng địch ở Bắc
Bộ đã đẩy mạnh hoạt động, tiêu diệt hơn 7.000 tên địch, mở rộng
nhiều vùng du kích và căn cứ du kích ở Tả Ngạn, đặc biệt là hai
trận lớn ở Kiến An và Nam Định. Liên khu 5 hoạt động phối hợp
kịp thời và có hiệu quả, tiêu diệt trên 900 tên địch và thu nhiều vũ
khí, kể cả trọng pháo 105 mm.
Sau khi tóm tắt ưu, khuyết điểm về chỉ đạo của Tổng Quân ủy
và của các đại đoàn, những kinh nghiệm lớn về chỉ huy cơ động,
linh hoạt và kinh nghiệm về truy kích địch, Tổng Quân ủy đề đạt
một số vấn đề về củng cố thắng lợi Sầm Nưa và chuẩn bị thu -
đông năm 1953: Tăng cường sự giúp đỡ cách mạng Lào và tăng
cường sự chỉ đạo công tác ở Lào; chấn chỉnh và huấn luyện bộ đội
(về chính trị - tư tưởng: khắc phục tư tưởng hữu khuynh, về chiến
thuật - kỹ thuật: huấn luyện tiến công tập đoàn cứ điểm); chỉ đạo
chuẩn bị cầu đường; chấn chỉnh hội đồng cung cấp các cấp, nhất là
ở Liên khu 3 và 4.
660