Page 653 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 653
sáng tác và giúp nhà văn đi thực tế. Anh Sáu vui vẻ lắng nghe.
Không có thư ký riêng, thỉnh thoảng anh ghi chép vào một cuốn sổ
nhỏ. Nghe tôi trình bày xong, anh nói thêm: “Nhà văn đi thực tế thì
phải sâu hơn, kỹ hơn nhà báo. Vất vả và tốn kém. Đi để hiểu, tích
lũy dần rồi lại đi, đi sâu và đi rộng, để đến lúc chín tới, mới có thể
viết. Mà cũng chẳng phải viết vội, nếu chưa thấy chín”. Nói vậy rồi
anh cười rất vui.
Sau buổi làm việc ấy, việc đầu tư sáng tác cho Hội Nhà văn đã
trở thành một chính sách ổn định hằng năm. Trước đó, bác Đỗ Mười
cũng đã tài trợ cho Hội Nhà văn mỗi năm một tỷ đồng. Nay Chính
phủ chính thức ghi thành một khoản chi hằng năm. Cũng sau buổi
gặp ấy, nhờ có tác động của anh Sáu, Hội Nhà văn được cử một đoàn
đi thực tế vào các khu công nghiệp trên cả nước. Đồng chí Lê Xuân
Trinh, Trưởng ban Các khu công nghiệp Trung ương đích thân thu
xếp, giao nhiệm vụ cho từng cơ sở đón đoàn. Kết thúc chuyến đi,
anh Sáu lại tiếp đoàn và “kể chuyện làm ăn” với các nhà văn tại
Văn phòng 2 của Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự
buổi gặp ấy có các nhà văn Anh Đức, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang
Sáng, Chim Trắng, Đỗ Chu, Nguyễn Duy, Triệu Xuân, Hoàng Đình
Quang, Lê Văn Thảo, Phạm Tiến Duật và tôi.
Thế đó, qua một việc như vậy cũng thấy tính cách anh Sáu, đã
theo việc gì là theo đến cùng, chỉ đạo đôn đốc cho đến dứt điểm.
Cũng trong buổi gặp ấy, trong bữa cơm trưa thân mật, anh Sáu
khen trước mọi người về bài phát biểu của tôi tại Quốc hội khóa X.
Số là, trong khi thảo luận thông qua về Bộ luật hình sự, Ban soạn
thảo trích dẫn quá nhiều luật Nga, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản mà
không một lần nhắc đến luật ta, cho dù luật của ta có nhiều điểm
rất hay và có thể kế thừa. Trong lời phát biểu của tôi, tôi có nhắc
đến Bộ luật Hồng Đức, ý kiến của tôi được Chủ tịch Quốc hội Nông
Đức Mạnh khuyến khích, nhờ đó mà ban soạn thảo tiếp thu một số
nội dung.
651