Page 265 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 265
danh tướng tiền bối Việt Nam, từ thời Đại vương Trần Hưng Đạo
kháng Mông Nguyên, thời Ức Trai bình Ngô (như lấy yếu thắng
mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy đoản binh thắng trường trận...) mà
còn có thể giúp tìm ra lời giải những bài toán do thực tế chiến
trường đang và sẽ đặt ra đối với chính bản thân ông trong mùa
khô này, mùa khô đầu tiên mà - như ông dự đoán trong thư gửi
đồng bào Việt Bắc hồi tháng 4 - hướng tiến công của địch có thể sẽ
diễn ra trên vùng thượng du. Liên hệ tới đề án quân sự do ông
chuẩn bị và đã trở thành Nghị quyết của Hội nghị cán bộ Trung
ương đầu tháng 4, nói rằng ta không có căn cứ địa rộng và vững
chắc như Trung Quốc, rằng các căn cứ địa của ta đều có thể bị địch
đánh xuyên mũi dùi hoặc bao vây, ông Giáp nhớ lại quan điểm về
nhân sơn nhân hải (dựa vào dân để đứng vững trong căn cứ) mà
ông đã từng nêu lên trong cuộc kinh lý chiến trường miền Nam hồi
Tết năm 1946. Vấn đề đặt ra với cơ quan Tổng hành dinh là phải
chỉ đạo các địa phương làm thế nào để tổ chức căn cứ địa không chỉ
ở rừng núi mà cả ở đồng bằng, làm thế nào để mở mặt trận ở bất
cứ nơi nào có bóng địch, đánh ngay cả ở sau lưng địch, trong ruột
địch như Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương. Để kịp thời
chuẩn bị bước vào mùa khô, thảo luận tìm ra biện pháp phát huy
sức mạnh của cả chủ lực và địa phương, tìm ra cách đánh thích
hợp nhằm phá kế hoạch tiến công của địch trong mùa khô này,
Tổng Chỉ huy đề nghị Thường vụ cho triệu tập Hội nghị quân sự
toàn quốc lần thứ ba ngay từ trung tuần tháng 6.
Dành nhiều thời gian thảo luận về hướng tiến công chiến lược
của địch trong mùa khô sắp tới, hội nghị dự kiến ba khả năng:
hoặc đồng bằng Bắc Bộ, hoặc vùng tự do Khu 4 (Thanh - Nghệ) và
Khu 5 (Nam - Ngãi) hoặc chúng cũng có thể mưu đồ cuộc đại tiến
công lên Việt Bắc. Dù trên hướng nào, chủ trương chiến lược của ta
vẫn là vừa chỉ đạo đánh địch trên hướng chúng tiến công, đồng
thời đẩy mạnh hoạt động rộng khắp trên chiến trường toàn quốc,
kể cả đánh vào các vùng tạm bị chiếm (phối hợp với vũ trang
263