Page 118 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 118
biên soạn, một kho tàng đồ sộ về kinh nghiệm cầm quân mà Đại
tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp để lại cho hậu thế, bắt đầu
bằng những bài học vỡ lòng được ghi chép thông qua mấy buổi đầu
ra quân, từ Phay Khắt - Nà Ngần đến Đồng Mu, thắng giòn giã
cũng có mà không thành công cũng có.
Theo kế hoạch Mùa xuân chiến đấu đã thống nhất với Liên
tỉnh ủy, ngay từ trung tuần tháng 2/1945 (mồng 2 Tết Ất Dậu),
toàn đội vừa hành quân về phía nam, vừa triển khai một đợt vũ
trang tuyên truyền rầm rộ trên nhiều hướng, từ vùng tây bắc Cao
Bằng đến phía nam - giáp ranh Cao Bằng - Bắc Kạn. Trên từng
hướng, các tổ đội vũ trang dùng mọi hình thức để động viên chính
trị quần chúng - từ míttinh trong từng thôn bản, đến dán khẩu
hiệu, phân phát truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng,
tham gia đoàn thể cứu quốc, cùng đồng bào cả nước đánh Pháp -
đuổi Nhật, giành độc lập, tự do. Đi đôi với việc đẩy mạnh hoạt
động vũ trang tuyên truyền, đội trực tiếp giúp các thôn bản về
công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ địa phương làm nòng cốt cho
phong trào ở cơ sở, đồng thời chọn người phát triển Quân giải
phóng. So với những ngày nóng bỏng của cuộc khủng bố hồi mùa
thu năm trước, phong trào chung trong toàn liên tỉnh, nhất là
vùng Cao Bằng, đã khác hẳn. Rất nhiều cơ sở chính trị quần chúng
được phục hồi và phát triển, hoà nhịp với tiếng vang chiến thắng
của Quân giải phóng, đã tác động sâu sắc đến thái độ chính trị của
các tầng lớp nhân dân các dân tộc Cao - Bắc - Lạng. Trong khi
quần chúng sôi nổi ủng hộ cách mạng, nô nức “đi giải phóng” thì
bọn lính đồn nơm nớp lo sợ bị tiến công. Bọn tổng đoàn, xã đoàn,
ngay cả những tên Việt gian phản động nổi tiếng ở nhiều địa
phương cũng không dám lộng hành như trước. Nhiều phần tử lừng
chừng đã ngả dần theo cách mạng. Cục diện chung đó là môi
trường thuận lợi cho hoạt động vũ trang tuyên truyền của đội.
116