Page 119 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 119
Từ cuối tháng 2/1945, trước tình hình trong và ngoài nước
chuyển biến ngày càng thuận lợi cho phong trào cứu quốc, Liên
tỉnh ủy chỉ thị cho đội đẩy mạnh hoạt động cả chính trị và vũ
trang, chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ lớn. Hoạt động của đội theo
kế hoạch Mùa xuân chiến đấu bắt đầu mang nội dung mới: Tiến
mạnh về phía nam. Chưa bao giờ bài ca của đội, bài Phất cờ Nam
tiến lại có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ và thiết thực như những ngày
đội tiến nhanh trên trục đường từ Ngân Sơn sang Chợ Rã xuống
Chợ Đồn, Chợ Chu. Tiếng hát vang lên sau trận phục kích do đội
trưởng Hoàng Sâm chỉ huy, tiêu diệt gọn đoàn xe vận tải của địch
trên đường Nà Ngần - Đèo Gió (khi đó gọi là Benle - Bel Air).
Tiếng hát lan đến khắp các châu huyện đang nô nức thành lập các
đội vũ trang riêng của địa phương, “những đội quân đàn em”, như
cách nói của Cụ Hồ.
Một ngày đầu tháng 3, hai ông Phạm Văn Đồng và Vũ Anh
đến thăm, đánh dấu một mốc chuyển biến mới trong hoạt động của
đội. Các ông thông báo cho ông Giáp và lãnh đạo của đội về cục
diện chiến tranh thế giới, tình hình phát triển của phong trào cứu
quốc trong cả nước, đặc biệt là những triệu chứng Nhật sắp lật
Pháp, đồng thời chuyển đạt chỉ thị của ông Cụ: Đội phải khẩn
trương tiến quân xuống phía Nam, nhanh chóng đánh thông
đường liên lạc với miền xuôi.
Chỉ vài ngày sau, bà con đi chợ bàn tán về việc quân Nhật kéo
về chiếm đồn Nguyên Bình, bắt viên đồn trưởng Pháp làm tù binh.
Tin đó khẳng định việc Nhật đảo chính Pháp trên phạm vi cả
nước. Đội lên đường trong không khí khác hẳn những ngày hành
quân đêm, bí mật len lỏi trèo đèo lội suối trước đây. Trên từng
chặng đường tiến quân dưới lá cờ đỏ sao vàng giương cao, đội liên
tiếp tổ chức những cuộc míttinh quần chúng, giải thích rõ về thời
cơ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Công tác binh vận, địch
vận đã đem lại kết quả thiết thực. Lính dõng ở các đồn lẻ nộp
súng, giao đồn, châu đoàn, xã đoàn nộp triện.
117