Page 161 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 161
địch. Ở nơi rừng núi thì dựa vào rừng núi mà tiến thoái, ở đồng
bằng tuy không có rừng núi nhưng lại có “nhân sơn - nhân hải”,
cho nên du kích phải dựa vào dân mà hoạt động. Khi đã có dân che
chở thì ta có thể đánh khắp nơi. Sau đó, ông Võ Nguyên Giáp còn
gặp riêng Chính ủy Nguyễn Mô, Tư lệnh Trần Công Khanh, Tham
mưu trưởng Hà Văn Lâu, chỉ thị “tháo” ngay phòng tuyến, phát
động toàn dân tham gia chiến tranh du kích, đẩy mạnh tác chiến,
tạo áp lực cho cuộc đàm phán sắp tới với Pháp.
Dù chưa chính thức cầm quân và trực tiếp chỉ huy tác chiến
trên quy mô vừa và lớn, nhưng với sự nhạy bén bẩm sinh và xuất
phát từ thực tế chiến trường, ông Giáp đã sớm phát hiện vấn đề và
giúp cán bộ, chỉ huy phương hướng chiến đấu sao cho vừa tiêu hao,
và làm chậm bước tiến của địch, vừa hạn chế khó khăn của ta. Ba
nội dung chủ yếu do Võ Nguyên Giáp gợi mở (cách đánh của chủ
lực, chỗ đứng chân của lãnh đạo địa phương và yếu tố nhân dân) sẽ
trở thành yếu tố quyết định sự hình thành từng bước thế trận
chiến tranh nhân dân, phù hợp với lực lượng so sánh giữa ta và
địch lúc này.
Đang chuẩn bị tiếp tục hành trình vào Nam Bộ thì có điện của
Cụ Hồ gọi ra Bắc. Biết là có việc gấp, ông Giáp vội lên đường. Đêm
1/2/1946 - ba mươi Tết - chiếc xe con đưa ông vượt đèo Hải Vân.
Trời mưa, tối và rét. Không khí nóng bỏng của chiến trường thu
hút tâm trí khiến ông dường như không quan tâm lắm đến giây
phút giao thừa, đất nước đã vào Xuân Bính Tuất. Có chăng cảm
nhận đó chỉ thoáng qua: “Mùa xuân đến với chúng tôi cập rập trên
lưng đèo, trong đêm mưa”. Một phần tư thế kỷ sau nhớ lại, Võ
Nguyên Giáp viết như vậy.
Ra tới Huế đúng sáng mồng 1 Tết. Trong không khí mừng
Xuân Độc lập đầu tiên giữa cố đô, Võ Nguyên Giáp rất vui khi gặp
Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu và nhất là Nguyễn Chí Thanh - người vừa
cùng ông chia tay tại Đại hội quốc dân Tân Trào mấy tháng trước.
159