Page 314 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 314
chỉ đạo phát động như thế nào để phong trào dân quân, du kích
được thực sự phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo đúng tinh
thần Nghị quyết tháng 1/1948 của Trung ương.
Ông Giáp đã từng nghiên cứu các tác phẩm quân sự của
Claudơuýt viết về “những cuộc chiến tranh nhỏ”, của Chu Đức và
Mao Trạch Đông viết về chiến tranh du kích, đã nghiên cứu kinh
nghiệm du kích Nga, Trung Quốc, Pháp, Nam Tư. Ông cũng đã
từng nghiên cứu hoạt động của quân các lộ và hương binh, thổ
binh, dân binh thôn xã chống ngoại xâm trong lịch sử giữ nước của
dân tộc. Nhưng với ông, cốt lõi tư tưởng chỉ đạo hành động trong
việc phát động chiến tranh du kích chính là những lời chỉ bảo của
Cụ Hồ ngay từ những ngày đầu chuẩn bị tiến tới vũ trang khởi
nghĩa. Năm 1941, trong cuốn sách mỏng Cách đánh du kích, Cụ đã
nêu lên những điều kiện quyết định sự tồn tại và chiến thắng của
đội du kích đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc giữ quyền chủ động
1
và tư tưởng tiến công của chiến tranh du kích. Đối chiếu với tư
tưởng chỉ đạo trên đây của Cụ Hồ, ông Giáp càng khẳng định
những kinh nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình vận động
quần chúng thời kỳ tiền khởi nghĩa ở liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng.
Ông nhớ lại và hiểu sâu sắc vì sao phong trào chiến tranh du
kích sau ngày toàn quốc kháng chiến bị hạn chế mà nổi lên là
những khó khăn của các đơn vị Tây tiến trên chiến trường Tây
Bắc suốt những năm 1945 - 1947. Thực tế cuộc chiến đấu ở Nam
Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cuối năm 1945 - đầu năm 1946
cũng như ở Bình - Trị - Thiên, ở nam phần Bắc Ninh năm 1947 đã
chứng minh những nguyên tắc và tư tưởng chỉ đạo của Cụ Hồ.
______________
1. Những điều kiện đó là: 1- Phải có đường lối chính trị đúng;
2- Phải dựa trên cơ sở quần chúng; 3- Phải có tổ chức vững chắc và
nghiêm mật; 4- Phải có một lối đánh rất tài giỏi (thiên biến vạn hoá,
xuất quỷ nhập thần).
312