Page 419 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 419
Việc đến thăm báo Công giáo và dân tộc không phải chỉ là để
chào hỏi xã giao, mà thực sự là để gặp gỡ, đối thoại, động viên, góp ý.
Tôi không ở trong Ban biên tập của tuần san cũng như nguyệt
san Công giáo và dân tộc, nên không được biết cụ thể anh Sáu đã
nâng đỡ tờ báo như thế nào, hay thậm chí có lần đã “cứu” tờ báo
khỏi... những quả phạt đền, nói theo ngôn ngữ của anh Trương Bá
Cần, Tổng Biên tập đương nhiệm. Nhưng căn cứ vào những lời phát
biểu và những bài viết gần đây, tôi thấy anh Sáu có một quan niệm
rất cởi mở về tự do ngôn luận và báo chí. Anh đã từng phát biểu, vào
lúc nhiều phiên tòa được mở ra xét xử những người bất đồng chính
kiến, rằng nên có sự phân biệt rõ rệt hơn nữa giữa bất đồng chính
kiến với phản động hay phá hoại an ninh trật tự. Khi anh đã qua
đời, có rất nhiều bài báo đã nói về anh như một người cởi mở, bao
dung, coi việc bất đồng chính kiến là bình thường. Người ta còn kể
lại rằng, chính anh đã thẳng thắn thú nhận rằng, lúc ban đầu, khi
nghe những người bất đồng chính kiến tranh luận với mình, anh
cũng khó chịu và không thể chấp nhận được, nhưng dần dần, càng
gặp gỡ, càng đối thoại, anh càng hiểu rằng đối thoại, phản biện,
khác ý kiến không những là bình thường, mà còn cần thiết và hữu
ích, chứ không đương nhiên là phản động, là phá hoại.
Anh Sáu là con người thực tiễn, chứ không phải là một bộ óc
giáo điều. Bản thân anh xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo
khổ, và cũng như phần đông các nhà lãnh đạo cách mạng thế hệ đi
tiên phong, anh đã học được nhiều điều không phải từ sách vở, lý
thuyết, hay từ trường lớp, mà trước hết bằng thực tế và kinh nghiệm
trường đời, kinh nghiệm từ một cuộc đời chiến đấu quên mình.
Bí danh “Sáu Dân” mà anh đã chọn cho mình quả thật có một ý
nghĩa sâu sắc: anh trước hết chỉ muốn là một người dân, một người
bình thường như mọi người dân, một người nông dân Nam Bộ; thứ
đến anh còn là một người “của dân”, sống và chiến đấu cho dân, và
suốt đời chỉ muốn phục vụ dân, cả khi đã thôi nhiệm, và phục vụ cho
đến hơi thở cuối cùng.
417