Page 560 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 560
Cán bộ và nhân dân hai tỉnh An Giang, Kiên Giang đã cưỡi lên
“một bộ máy cái khổng lồ”, sẵn sàng quay hết tốc độ, phục vụ cho
việc khai thác tài nguyên và phát triển vùng này, đóng góp cho sự
phát triển của toàn vùng đồng bằng và cho đất nước. Những việc
phải làm tiếp tục còn nhiều và không ít khó khăn, song đó là sự tiếp
nối những gì tổ tiên và chúng ta đã làm được cho đến hôm nay.
Mùa hè đầu năm 1999 vào một buổi chiều, sau một chuyến đi
khảo sát, thuyền chúng tôi xuôi đất Kiên Giang. Trên dòng kênh
mới đào một đám đông trẻ con và người lớn vẫy vùng trong nước,
chắc chắn là sau một ngày lao động vất vả. Họ vui mừng chào, giơ
tay vẫy vẫy chúng tôi - và cám ơn ông Kiệt về một dòng kênh, mà ở
đây người ta quen truyền cho nhau là con kênh ông Kiệt.
Chỉ riêng việc được đầm mình trong dòng nước xanh mát, đối
với người dân vùng đồng chua nước mặn này, đã là một sự sung
sướng đổi đời.
Sự sung sướng đó nhân lên gấp bội trong mỗi chúng tôi, khi mỗi
lần nghĩ lại.
Đã có một thời chúng tôi được tháp tùng anh Sáu, và được góp
phần vào một việc làm có ích, có thể mang lại niềm vui cho mỗi
con người.
Khi lấy kênh Vĩnh Tế làm chủ đề cho bài viết, chúng tôi nghĩ
rằng kênh Vĩnh Tế (và hệ thống công trình kiểm soát lũ) là một công
trình của lao động và trí tuệ tập thể. Một con kênh nối hai thời đại -
trong đó nổi lên những con người - những gương mặt của lịch sử:
Thoại Ngọc Hầu trong quá khứ và anh Sáu gần gũi kính mến của
chúng ta ngày nay.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30/9/2002
558