Page 322 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 322
Quả nhiên, 3 giờ sáng ngày hôm sau, 13/8/1967, cả trời đất đều
bỗng dưng rung chuyển bởi hàng loạt trận bom B.52. 6 giờ sáng, bom
ngưng, nhường chỗ cho đạn pháo và rốc két vãi như mưa. Chừng 1
giờ rưỡi sau, một tiểu đoàn ngụy quân thuộc Sư đoàn 7 được trực
thăng đổ xuống nhiều nơi tạo thành gọng kìm bao vây căn cứ của ta
ở ấp 5, xã Tân Phú Tây. Quân địch đông hơn gấp bội, hỏa lực mạnh,
lại được trực thăng phóng pháo hỗ trợ tối đa. Tuy nhiên, phía ta nhờ
chủ động bố phòng, lại thông thạo địa hình nên các đợt rải quân thọc
sâu của chúng đều bị đẩy lùi. Có những lúc địch và ta cách nhau
chỉ chừng 40-50m nhưng chúng vẫn chưa dám liều mạng xộc thẳng
vào. Từ sáng đến trưa, ông Sáu Dân trực tiếp quan sát chiến sự,
nghe báo cáo tình hình, không một lần xuống hầm. Đầu giờ chiều,
ông chỉ đạo: vừa đánh vừa rút về tuyến hai có công sự cố thủ để bảo
toàn lực lượng.
Đến giữa chiều, ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ) sốt ruột quá, cho
người sang đón ông Sáu Dân về căn cứ ở Mỹ Tho, bên kia cầu Rạch
Nhum. Trong khi nhảy qua mương tránh trực thăng, ông Sáu bị đạp
chông, một cây tre nhọn dài tới 5 tấc cắm xuyên bàn chân lút đến
quá nửa. Một cận vệ chiến đấu tên là Ba Mương chạy đến, rút cây
chông ra và cõng ông Sáu Dân lội rạch suốt 2 giờ liền mới về đến căn
cứ ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Tối
hôm đó, vết thương nhiễm trùng, ông Sáu Dân lên cơn sốt.
Nghe tin ông Sáu Dân bị thương, anh Phạm Thanh Dân vừa được
cử đi học y sĩ về tức tốc xách theo cả cây chông còn dính máu đuổi theo
thủ trưởng. Xem xét vết thương, Ba Dân nhận định phải mổ ngay.
Ngặt nỗi, bác sĩ Mười Lù, người chăm sóc sức khỏe của ông Sáu vẫn
còn kẹt lại giữa trận chiến. Ông Sáu Dân quyết định liền: “Không có
bác sĩ thì y sĩ cũng mổ. Cần mổ thì cứ mổ liền đi, đợi cái gì”. Anh y
sĩ nghe theo, làm liền. Vừa làm, anh vừa run vì không ngờ “thương
binh” đầu tiên để anh thử tay nghề lại là ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt!
320