Page 343 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 343
Tuy Hiệp định Pari đã được ký kết nhưng lúc bấy giờ trên đường
Trường Sơn địch vẫn đánh phá ác liệt ngày đêm, không lúc nào
không có máy bay gầm rú, bắn phá, nhất là loại AC130 bay chậm, có
khả năng phát hiện mục tiêu nhanh ban đêm. Ban ngày ôtô đi qua
những đoạn rừng cây trụi lá vì chất độc hóa học thì bụi mù mịt, địch
dễ phát hiện; ban đêm thì chỉ dùng đèn gầm qua những đoạn đường
hẹp, đèo ngoằn ngoèo rất nguy hiểm...
Có rất nhiều kỷ niệm về hai thủ trưởng mà tôi được giao nhiệm
vụ chăm sóc sức khỏe. Xin kể vài kỷ niệm và những tình cảm của tôi
đối với thủ trưởng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân).
Năm ấy anh Võ Văn Kiệt 51 tuổi đời. Anh rất khỏe, rất xông
xáo, nói là làm, rất giản dị, mọi người có cảm giác rất dễ gần khi tiếp
chuyện với anh. Tôi kính trọng anh không phải vì anh là thủ trưởng,
vì mình phải có trách nhiệm lo sức khỏe, mà vì trong tác phong làm
việc, trong cách sống, cách đánh giá con người của anh. Ở anh có
những đặc điểm gieo vào lòng bất cứ ai có dịp gần gũi tiếp xúc với
anh những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp. Anh xưng hô “mầy - tao” với
tôi, biểu hiện một tình cảm thân thương của một người anh mà tôi
luôn kính trọng.
Hằng ngày, tôi thăm khám sức khỏe, đo huyết áp cho anh. Anh
bảo: “Tao khỏe, không cần đo huyết áp hằng ngày đâu. Khi nào cần
thì tao bảo”. Tôi thưa: “Khi anh thấy cần tức là anh đã có cảm giác
khó chịu (nhức đầu chẳng hạn), đó là cảm giác chủ quan, cảm giác
ấy thường đi sau yếu tố khách quan do làm việc căng thẳng (stress)
mà thường được báo động sớm qua các chỉ số huyết áp đo được. Qua
thăm khám mình mới chủ động trước những biến động bất thường
của sức khỏe”.
- Ừ! Vậy thì tốt, phải chủ động, đừng để bị động là tao chịu.
Anh nói: Lần đầu tiên tao vượt Trường Sơn ra miền Bắc tham dự
Đại hội II vào năm 1951, lúc đó đi bộ cực lắm nhưng không có bom
đạn ác liệt như lần này.
341