Page 30 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 30
chiến lược không có trong kế hoạch ban đầu - đó là xây dựng trên
cánh đồng Mường Thanh một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông
Dương, làm cái “nhọt hút nọc độc”, nhằm thu hút quân chủ lực đối
phương lên, trước mắt là để đỡ đòn cho đồng bằng, sau nữa nếu đối
phương dám “húc” vào đây thì chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Nava rất
tin vào điều đó vì lẽ giản đơn là ông Giáp chưa có kinh nghiệm
đánh tập đoàn cứ điểm, nhất là tập đoàn cứ điểm mạnh. Hồi quân
Pháp đánh ra Hoà Bình, ông Giáp đã tránh tập đoàn cứ điểm lần
đầu xuất hiện. Trong Chiến dịch Tây Bắc (cuối năm 1952) sau khi
thử sức đánh vài cứ điểm vành ngoài tập đoàn cứ điểm Nà Sản,
thấy không chắc thắng, ông không cho đánh tiếp. Mùa hè năm
1953, ông quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, nhưng
khi các đại đoàn hành quân đến còn cách mục tiêu chừng 10 km
thì quân Pháp đã bỏ chạy, ông Giáp hạ lệnh truy kích suốt 7 ngày
đêm đến tận sát Cánh Đồng Chum. Kết quả là gần như toàn bộ
quân địch rút chạy khỏi Sầm Nưa bị tiêu diệt nhưng ý định đánh
tập đoàn cứ điểm không thành.
Ý đồ chiến lược của Nava nảy sinh đầu tháng 12/1953 dẫn đến
quyết tâm xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, gồm 49 cứ
điểm kiên cố với tất cả binh khí, kỹ thuật hiện đại có thể huy động
được, cùng 1,6 vạn quân tinh nhuệ, mạnh hơn rất nhiều so với các
tập đoàn cứ điểm Hoà Bình, Nà Sản và Sầm Nưa trước đây, mạnh
tới mức các quan chức quân sự và dân sự Pháp và Mỹ đến thăm
đều khẳng định Điện Biên Phủ quả là một “pháo đài bất khả xâm
phạm”, là một cái “máy nghiền” (broyeuse), sẵn sàng nghiền nát
đối phương nếu họ “dám” đụng vào đây. Các chuyên gia thân tín
đủ loại của Tướng Nava cũng đồng tình với nhau rằng ông Giáp
làm sao đưa được pháo vượt qua những rặng núi cao và hiểm trở
xung quanh Mường Thanh để vào trận địa; rằng đường xa, phương
tiện vận tải thô sơ, làm sao bảo đảm tiếp tế cho mấy vạn quân
đánh dài ngày, v.v..
28