Page 38 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 38
chú ý trận đánh này. Tờ Thời báo Niu Oóc (New York Times) viết: “Ia
Đrăng là một trong những nơi mà người lính chiến đấu Mỹ bị ném
vào cuộc thử thách gay gắt nhất..., là trận đánh mà tướng lĩnh Mỹ
phải đánh theo cách đánh của tướng lĩnh Việt cộng”.
Giữa năm 1966, việc thành lập Mặt trận Trị - Thiên được giới
nghiên cứu coi là “một đòn hiểm” của Bộ Thống soái Việt Nam.
Người ta đã biết một trong những kinh nghiệm cầm quân của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp là trước khi ra quân ông thường buộc đối
phương phải phân tán binh lực. Đòn lần này được coi là “hiểm” vì
nó dồn tướng lĩnh Hoa Kỳ vào thế bị động về chiến lược, buộc
Oétmolen phải điều hai sư đoàn lính Mỹ ra vùng chiến trường
rừng núi miền Trung trước khi bước vào mùa khô thứ hai. Họ khái
quát điểm nổi bật trong cuộc đấu trí, đấu lực giữa hai Bộ Thống
soái đối kháng trong hai năm đầu quân Mỹ trực tiếp tham chiến,
là trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966 và
1966 - 1967) của Mỹ, tướng lĩnh Việt Nam đã làm phá sản chiến
lược “tìm diệt”, một chiến lược được Lầu Năm Góc thận trọng
nghiên cứu và phê duyệt trước khi Oétmolen ra quân. Người ta nói
nhiều đến thất bại của cuộc hành quân Gianxơn Xity (Junction
City từ tháng 2 đến tháng 4/1967), một chiến dịch “tìm diệt” được
coi là lớn nhất của Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam,
với quy mô 4,5 vạn quân, với ý đồ “đánh gãy xương sống của Việt
cộng”. Điều đó giải thích vì sao, ngày 8/12, khi kết thúc mùa khô
thứ hai, Ngoại trưởng Raxcơ (Dean Rusk) đã than thở rằng: năm
1967 là năm đau khổ và khốc liệt đối với Mỹ trong cuộc chiến
tranh Việt Nam.
Thất bại liên tiếp trong hai mùa khô dẫn đến sự phân hoá và
xáo trộn trong hàng ngũ quan chức Mỹ. Cabốt Lốt trở lại thay
Taylo ngồi vào ghế đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Hơn một năm sau, đến
lượt Bâncơ (W.Bunker) thay Cabốt Lốt. Tiếp đến là Bộ trưởng
Quốc phòng Mắc Namara (R. McNamara) xin ra khỏi Lầu Năm Góc.
36