Page 45 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 45
tranh chống địch bình định lấn chiếm, nhằm giữ vững và tăng
cường thế và lực của cách mạng miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên
Giáp cùng tập thể Quân ủy Trung ương tập trung trí tuệ suy nghĩ
đề đạt phương án về các bước đi tiếp theo nhằm hoàn thành sự
nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ những ý
kiến chuẩn bị, trao đổi, thảo luận trong các cuộc họp năm 1974,
nhất là Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở rộng
(gồm cả cấp lãnh đạo các chiến trường, họp từ ngày 18/12/1974
đến ngày 8/1/1975), ông đã cùng tập thể lãnh đạo khẳng định
nhiều vấn đề quan trọng để vận dụng vào việc chỉ đạo Tổ trung
tâm của Tổng hành dinh nghiên cứu và hoàn chỉnh bản kế hoạch
chiến lược giải phóng miền Nam. Cuối cùng sau tám lần biên
soạn và bổ sung, sửa chữa, bản kế hoạch đã được Bộ Chính trị
thông qua, trong đó có một vấn đề cụ thể nhưng vô cùng quan
trọng là chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu mở màn cuộc Tiến
công chiến lược mùa Xuân năm 1975.
Khác với đông - xuân 1953 - 1954, trong giai đoạn chiến lược
quyết định cuối cùng này của cuộc kháng chiến chống Mỹ, một
cộng sự đắc lực của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Đại tướng
Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng,
đã được Trung ương cử vào thay mặt Bộ Thống soái tối cao trực
tiếp điều hành cuộc tiến công chiến lược. Ông Giáp tiếp tục chủ
trì công tác của Quân ủy Trung ương, cùng với Thứ trưởng thứ
nhất Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái và các Phó Tổng Tham
mưu trưởng khác theo dõi và chỉ đạo từng bước đi của các binh
đoàn, theo phương hướng chiến lược được tập thể Bộ Chính trị
vạch ra trong từng thời điểm quan trọng có ý nghĩa quyết định.
Từ ngày 5/2/1975, ngày ông Văn Tiến Dũng lên đường vào chiến
trường Tây Nguyên, việc liên lạc bằng điện đài trực tiếp giữa hai
ông Võ Nguyên Giáp (lấy bí danh là Chiến) và Văn Tiến Dũng
(lấy bí danh là Tuấn) được duy trì đều đặn hằng ngày.
43