Page 568 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 568
Rất nhiều điều mắt thấy tai nghe đã làm ông xúc động. Trên
đường đi, gặp mấy cháu độ tuổi lớp 6, lớp 7 đi học, quần xắn đến gối,
tay dắt xe đạp mà đường lầy, trơn trượt, không đi được... Ông nói
với mọi người: Những địa phương này, trước đó đã từng “Thóc không
thiếu một cân, quân không thiếu một người” đấy.
Lại có khi, gặp những người Vân Kiều, ông hỏi họ trồng cây gì,
nuôi con gì để sống? Họ trả lời, cũng tự nhiên như chính sự có mặt
của họ ở trên đời này: “Trồng cây gì để no cái bụng” (đồng nghĩa với
sự “chăm chỉ” đốt rừng làm rẫy). Và, “nuôi con gì mà nó tự đi xa
được, như con trâu, con bò ấy. Chứ con khác, đâu có đường mà đi”.
Nghe vậy, ông lắc đầu.
Một buổi chiều qua đoạn Hiên (Quảng Nam) thấy một lũ trẻ
người dân tộc thiểu số, mình trần, đầu đội trời, chân đạp đất, màu
da lẫn với màu đất núi. Chúng đang đi đâu đó? Hỏi ra, mới biết
chúng “đi xem vô tuyến” (tivi). Thì ra, có một đơn vị đóng quân, xa
lắm, cứ hai tối mới mở tivi một lần để “kết hợp” cho quân xem, dân
xem. Với những bước chân bé nhỏ của chúng, phải đi bộ nửa ngày
trời mới tới. “Không có đường, thì văn minh bao giờ mới bò được tới
đây!” - ông nói vậy.
Lại nghe nói, có chiến sĩ biên phòng bị sốt rét ác tính, đồng đội
cáng đi trạm cứu thương, chết giữa rừng... Câu chuyện ấy làm ông
buồn, không khác cái buồn của thân nhân anh lính xấu số kia!
Do sự trùng hợp về kỹ thuật lựa chọn hướng tuyến, mà nhiều
đoạn tuyến đường dây tải điện 500kV đi trùng với đường Hồ Chí
Minh. Thỉnh thoảng gặp một trạm gác, bảo vệ đường dây tải điện
500kV. Nói là trạm, chứ thực chất nó chỉ là một cái chòi (có người
gọi nó là cái chuồng) giữa rừng xanh, núi đỏ, trong mây mù bao phủ.
Ông hỏi, họ có buồn không? “Cũng vì nhiệm vụ thôi, chứ buồn lắm,
nguy hiểm lắm”, họ trả lời. Thì ra, những người tham gia bảo vệ cho
dòng điện liên tục, bảo vệ cho hạnh phúc của nhiều người, thì chính
cái phần hạnh phúc nhỏ nhoi của họ, hầu như bị lãng quên. Vì có
đường đâu, mà ai biết đến!
566