Page 182 - http://tvs.nlv.vn/trienlam
P. 182
Le Havre gửi tặng đoàn. Kèm theo tấm bưu thiếp là bức thư nhỏ: Tôi rất sung
sướng gửi cho đồng chí ảnh chụp con tàu Amiral Latouche Tréville, nơi Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã làm việc. Tôi tìm thấy bưu thiếp này ở cửa hàng sách báo
cũ của người bạn tôi. Chủ nhân tấm bưu thiếp đã mua nó trên tàu Amiral
Latouche Tréville trên đường về Pháp, khi tàu ghé cảng Xinhgapo ngày
8/6/1911. Và như chúng ta biết, chính trên chuyến tàu này khi đó, Nguyễn Tất
Thành-Văn Ba đang làm phụ bếp.
Dunkerque và quyển nhật ký tàu Amiral Latouche Tréville
Theo giới thiệu của Phòng Thông tin và Quan hệ công cộng cảng Le Havre
đoàn sưu tầm đến Sở Hàng hải của thành phố. Tại đây, đoàn được giới thiệu tài
liệu lưu trữ ghi: Tàu Amiral Latouche Tréville cập cảng Le Havre ngày
15/7/1911, đăng ký ở cảng với số hiệu là 1233. Giám đốc Sở Hàng hải Le Havre
giải thích: Luật lệ Hàng hải của Pháp thời trước quy định: Đối với các tàu Pháp
chạy đường Đông Dương, sau một năm hoạt động, phải nộp quyển nhật ký tàu
cho Sở Hàng hải ở cảng cuối cùng của Pháp. Trong quyển sổ đó có ghi đầy đủ
danh sách thủy thủ, sĩ quan, tiền lương, phụ cấp, cùng những biến động về nhân
sự trên đường đi. Hành trình của tàu Amiral Latouche Tréville chạy đường Đông
Dương là: Hải Phòng, Tourane (tức Đà Nẵng-TG), Sài Gòn, Xinhgapo,
Colombo, Djibouti, Port Saïd, Marseille, Bordeaux, Le Havre, và cuối cùng là
Dunkerque.
Vì vậy, phải đến Dunkerque để tìm quyển nhật ký tàu. Dunkerque là một
cảng biển ở cực Bắc nước Pháp, là một trong những chiến trường ác liệt trong
chiến tranh thế giới thứ II. Ở đây, được sự giúp đỡ của Bộ Hàng hải Pháp và sự
giới thiệu của Đại sứ Việt Nam tại Pháp, khi đoàn đến Sở Hàng hải, Giám đốc
Sở đã ngồi chờ sẵn. Đồng chí Hồng Hà xúc động nhớ lại: sau khi xem giấy giới
thiệu, ông Giám đốc cho gọi cô thư ký. Cô bước vào, hai tay bê một quyển sổ to,
dày và nặng. Bìa màu nâu sẫm, đã sờn rách. Giấy bên trong ngả màu vàng. Ông
Giám đốc nói với chúng tôi: “Đây là quyển nhật ký tàu Amiral Latouche
Tréville năm 1911, được lưu trữ tại Sở tôi. Những trang nào có ghi tên Văn Ba,
thư ký của tôi đã kẹp giấy trắng đánh dấu để các ông tiện mở xem”.
Tuy nhiên, theo quy định chung, ông Giám đốc không được phép cho đem
quyển sổ ra khỏi Sở Hàng hải. Sau một cuộc thương lượng kéo dài, ông đồng ý
để đoàn sưu tầm đem quyển sổ đi sao chụp nhưng sẽ có một công chức đi theo
giám sát và một giờ sau phải đem sổ tàu về Sở. Nhưng sau đó, đoàn đã thuyết
phục viên công chức giám sát cho 3 giờ để sao chụp.
Trân trọng mở từng trang sổ, đồng chí Hồng Hà kể: chúng tôi tưởng như
con tàu đang rẽ sóng biển cả và anh Văn Ba đang chạy trên boong tàu giữa
những tiếng gọi: Ba, đem nước lại đây! Ba, dọn chảo đi! Ba, thêm than vào!
180